Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được xây dựng từ năm 1877 đến năm 1880. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc từ thời Pháp do kiến trúc sư J.Bourard thiết kế. Để kỷ niệm Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc ngày 09.12.1959, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được nâng lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường, đồng thời với Tông sắc “Venerabilium Nostrorum” nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cũng là nhà thờ chánh tòa của Tổng giáo phận với tên gọi chính thức là Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Địa chỉ: số 1 Công Xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. HCM.
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN
Ngay sau khi chiếm Sài Gòn, thực dân Pháp đã cho lập ngôi nhà thờ dùng chỗ cử hành Thánh lễ cho người theo đạo Công giáo. Ngôi nhà thờ đầu tiên được lập ở đường Số 5 (nay là đường Ngô Đức Kế). Giám mục Lefevre quyết định xây dựng một nhà thờ. Vì nhà thờ đầu tiên đó quá nhỏ nên vào năm 1863, Đô đốc Victor Auguste Duperré đã quyết định cho khởi công xây dựng ở nơi khác một nhà thờ khác bằng gỗ bên bờ "Kinh Lớn" (còn gọi là kinh Charner, thời Việt Nam Cộng hòa là vị trí trụ sở Tòa Tạp tụng, tương ứng với vị trí tòa nhà Sun Wah ngày nay). Cố đạo Lefebvre tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ vào ngày 28 tháng 3 năm 1863. Nhà thờ được dựng bằng gỗ, hoàn thành vào năm 1865, ban đầu gọi là Nhà thờ Saigon. Về sau, do nhà thờ gỗ này bị hư hại nhiều vì các côn trùng gây hại như mối và mọt gỗ, các buổi lễ được tổ chức trong phòng khánh tiết của Dinh Thống Đốc cũ, về sau cải thành trường học Lasan Taberd, cho đến khi nhà thờ lớn xây xong.