top of page
Đỗ Nguyên

Khai mạc Năm Thánh 2010 (29-11-2009)

Đã cập nhật: 19 thg 2



Lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại Nhà thờ Chánh Tòa Đức Bà

Vương cung Thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. 

• Lúc 18g30 tối Chúa nhật 29-11-2009. 

• Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ sự thánh lễ khai mạc Năm Thánh.


Cùng đồng tế gồm có: 

• Đức Hồng Y Etchegaray - nguyên chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình. 

• Đức Cha Phụ Tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm. 

• Cha Tổng Đại diện GB Huỳnh Công Minh, cha Giuse Vương Sỹ Tuấn, cha Lu-y Nguyễn Anh Tuấn, và Cha Philiphê Nguyễn Công Vinh - gp. Phan Thiết.


Lúc 18g30 Đức Hồng Y R. Etchegaray và Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn cùng bước vào Nhà thờ Đức Bà trong tiếng vỗ tay chúc mừng. Trước đó 10 phút, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm cũng đã lặng lẽ xuất hiện trước cửa phụ bên phải.


Sau những tràng pháo tay như không thể ngừng, Linh mục Chánh xứ GB Huỳnh Công Minh đại diện cộng đoàn dâng lời chào mừng Đức Hồng Y Etchégaray. Lời chào bằng tiếng Pháp và chính ngài tự dịch ra tiếng Việt. Qua lời giới thiệu, mọi người được biết Đức Hồng Y Etchegaray là niên trưởng thứ hai của Hồng Y Đoàn, cơ quan tư vấn tối cao của ĐTC Bênêđictô XVI. (Tư liệu: Cardinal Roger Marie Élie Etchegaray; Function: President Emeritus of Justice and Peace, Roman Curia; Title: Cardinal Bishop of Suburbicarian See of Porto-Santa Rufina; Birthdate: Sept 25, 1922; Country: France)


Lời chào mừng biểu lộ niềm hạnh phúc của cộng đồng giáo phận thành phố được đón tiếp ĐHY, lòng biết ơn về những sự quan tâm và giúp đỡ đặc biệt của ngài từ hơn 20 năm qua đối với dân tộc VN và giáo hội Việt Nam.


Đức Hồng Y Roger Etchégaray bày tỏ niềm vui khi giờ phút này được có mặt bên Đức Hồng Y chủ nhà và cộng đồng giáo dân thành phố… Ngài rất vui và nhấn mạnh một cơ hội đặc biệt sẽ còn rất vui và đầy hạnh phúc của năm tới là Đại hội Dân chúa 2010. Ngài cho biết Đức Thánh Cha đánh giá cao việc Giáo hội Việt Nam chọn ngày lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam bởi đây chính là thái độ biết ơn ông bà tổ tiên và tìm thấy một nguồn sức mạnh để sống năm Thánh.


Đức Hồng Y Roger Etchégaray lưu ý ngày mai là lễ kính thánh Anrê tông đồ, từ đó ca ngợi thánh An-rê Dũng Lạc của Việt Nam và cầu chúc ơn lành cho những ai nhận các vị làm quan thầy đang hiện diện nơi đây (vỗ tay).


Dù số người hiểu được tiếng Pháp có lẽ không nhiều nhưng qua giọng nói và ánh mắt, mỗi người đều cảm nhận lòng nhiệt thành của Đức Hồng Y, cứ mỗi lần dừng lời, ngài đưa ánh mắt đầy “hiệp thông” về phía Đức Hồng Y chủ nhà rồi nhìn cộng đoàn một cách trìu mến. Giọng của ngài mạnh mẽ, rõ ràng, nhấn rõ từng chữ, đặc biệt là những từ ngữ như “vivre ensemblement” (chung sống), “avenir” (tương lai), “marchez” (hãy bước tới).


Đức Hồng Y Roger Etchégaray xin phép Đức Hồng Y chủ nhà để được nói chỉ 1 điều, mặc dù ngài có nhiều điều muốn nói với giáo dân hôm nay.Ngài nhấn mạnh: Điểm khó nhất là hòa giải. Muốn hòa giải trước hết phải tha thứ. Chung sống là chấp nhận khác biệt, không thành kiến, nhận ra giá trị căn bản của tha nhân. Phải phá bỏ ách kềm kẹp của sự dữ và bạo lực. Trong tinh thần Mùa Vọng, ngài mong mọi người hãy cầu xin Thiên Chúa ban sức mạnh. Ngài cất cao giọng: “regardez et marchez”. Lời kết thật dí dỏm, ngài nói ngài đến với nhưng không có tiền để cho chỉ có lời Chúa “hãy đứng dậy mà đi”.


Trước Thánh lễ có nghi thức rước kiệu Tôn vinh các Thánh Tử đạo Việt Nam. Cộng đoàn hiệp thông lời kinh cầu nguyện cùng đoàn rước đang tiến lên dọc theo dãy hành lang bên trong nhà thờ. Những người có mặt trong thánh đường hôm nay sẽ không bao giờ quên âm điệu mạnh mẽ và hùng tráng của những bài ca ca ngợi các Thánh Tử đạo Việt Nam liên tiếp vang lên, như bay vút lên những mái vòm cao của Thánh đường. Những bộ đồng phục khác nhau, cùng sắc hoa và ánh nến của đoàn rước bỗng gợi một không khí thánh thiện, trang nghiêm khó tả, làm người tham dự như đang ở cõi thiêng liêng nào.


Nghi thức sám hối: Đối với Chúa – Đối với Giáo hội – Đối với anh chị em  

- Đọc "Thư công bố Năm Thánh trong giáo phận" của Đức Hồng Y GB khai mạc Năm Thánh  

- Thánh Lễ


Trong phần bài giảng của Thánh lễ, Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn gợi cho cộng đoàn một số suy nghĩ để từ đó hiểu sâu hơn, sống tốt hơn trong Năm Thánh và Hồng Ân Thiên Chúa.


Mở đầu, ngài nhấn mạnh phép Thánh Tẩy. Ngài lưu ý chữ Thánh trong Hội Thánh. Ngài giải thích những điểm khác nhau trong hai cách gọi Hội Thánh và Giáo hội để nhấn mạnh chữ Thánh. Việc được sống trong Hội Thánh là Ơn Thánh. Tuy nhiên đây chỉ là hạt giống và mỗi người phải vun xới để hạt giống phát triển bằng đời sống yêu thương bác ái, chia sẻ.


Gia đình có vai trò quan trọng để hạt giống phát triển, nơi đâu có nhiều sự gặp gỡ chia sẻ hiệp thông. Tuy nhiên, hình ảnh quen thuộc về một gia đình thành phố hôm nay là buổi sáng mỗi thành viên gia đình đi về một hướng để mưu sinh hoặc học hành, tới giờ cơm chiều, cùng nhìn về một hướng là màn hình TV, không còn thời gian cho nhau. Ngài nhắc nhở các gia đình hãy tìm một thời gian hiệp thông cho các thành viên, tình nghĩa cha mẹ con cái, sự chia sẻ và đây là cách để sống ơn Thánh. Dành thêm thời gian cho Chúa, cho gia đình.


Ngài nhận xét một số gia đình trong một năm dành thời gian cho cha mẹ ông bà chủ yếu chỉ những ngày tết… Còn một tuần dành cho Chúa một ngày có người nói là quá nhiều. Nhưng như lời Thánh Phaolô: “Ơn Chúa …đựng trong một cái bình dễ bể…làm thế nào để không vơi đi?”Tuy nhiên, hiện tượng đặc biệt ở Việt Nam mà nhiều tổ chức khi phỏng vấn hay đặt ra với Đức Hồng Y là tại sao…Nhà thờ nào cũng đầy giáo dân…Câu trả lời của ngài là …Ơn Chúa chẳng có bí quyết nào…chẳng có Hồng Y nào, Giám mục nào làm được…


Khi đến thăm một tu viện của giáo phận thành phố có tới 560 tu sĩ, một con số không thể có trên thế giới, Đức Hồng Y Roger Etchégaray đã ca ngợi Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn là mục tử tốt lành nhưng người được khen chỉ nói đây là ơn Chúa, chẳng có bí quyết nào.

Ngài tiếp tục đề cập đến vấn đề di dân và thông báo rằng Giáo hội Việt Nam rất được chú ý trong thời gian mở cửa gần đây, được các giáo hội bạn bày tỏ sự biết ơn. Giáo hội Việt Nam trở thành chiếc tàu Noe để tiếp nhận.


Ngài giải thích để mỗi ngày trở nên mục tử tốt lành phải nhờ đến ba điều sau: Giáo phận thành phố như là con tàu Noe; Sự cầu nguyện của anh chị em; Sự quan tâm của Đức Hồng Y Roger Etchégaray. Ngài kết luận Ơn chúa ban vô cùng nhưng nhiều khi không ngờ, phải nhờ người khác chỉ cho, nói cho mới thấy.


Kết lễ:

Hướng dẫn lãnh nhận Ơn Toàn Xá          

Cộng đoàn lãnh nhận Ơn Toàn Xá



Lược sử Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn

Từ năm 1700, người Công Giáo Việt Nam có mặt ở Sài Gòn, lúc bấy giờ còn là đất của người Cambodge, họ có đồn Prekor như là thị trấn. Chợ Quán là khu vực qui tụ và là nơi dừng chân của linh mục, giáo hữu từ miền Đồng Nai xuống miền châu thổ sang tận đất chùa tháp.


Khi Chúa Nguyễn chiếm trọn Đồng Nai và Đồng Bằng Sông Cửu Long, với sự giúp sức của Đức Cha Bá Đa Lộc (Pigeau de Béhaine); đạo Công Giáo bắt đầu phát triển. Trung tâm truyền giáo khu vực Sài Gòn là Chợ Quán. Nhiều nhà thờ lớn nhỏ được cất lên ở những nơi có người Công Giáo sinh sống do các linh mục dòng Phanxicô phụ trách. Cha Gratia làm việc mục vụ và truyền giáo cho giáo hữu lúc bình thường cũng như trong cơn nguy biến (x lịch sử Họ chợ Quán)


Năm 1819, vua Gia Long qua đời, người kế vị là Hòang Tử Đởm, niên hiệu Ming Mạng. Người Công Giáo bắt đầu bước vào cơn thử thách Đức tin, khi nhà vua ban hành sắc chỉ cấm đạo. Đức Cha Từ (Taberd) cậy nhờ Quốc Công Lê Văn Duyệt trực tiếp can gián. Vua Minh Mạng tạm thời hòa hoãn.


Năm 1832, Tổng Trấn Gia Định, Quốc Công Lê Văn Duyệt từ trần, thế dựa của người Công Giáo không còn nữa. Trong tai họa của đất nước, Vua Minh Mạng làm tội Lê Văn Duyệt và người công giáo bị liên lụy rồi bị đồng hóa với phe Lê Văn Khôi chống lại nhà vua.


Người Công Giáo thật sự bước vào chặng đường khổ giá – tử vì đạo ! Ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức (1832-1862) ba mươi năm người công giáo như là một dân tộc thiểu số phải tiêu diệt.


Họ Chợ Quán và các nơi khác trong vùng Sài Gòn, cơ sở Nhà Thờ và cư dân công giáo bị phá tan, người công giáo bị tù đày, phân sáp. Người Công giáo từ Bắc, Trung chạy vô Nam rồi lại chạy tiếp vô rừng, xuống sông, sông lạch chằng chịt, rừng rậm chứ như ngày nay cái khổ của người sống bên lề xã hội; coi đó thì biết đức tin và sức sống của người có đạo Thiên Chúa nuôi dưỡng mạnh mẽ như thế nào. 


I. Họ đạo Sài Gòn

Năm 1857, Đức Cha Lefèbvre có mặt tại Chợ Quán, An Nhơn để điều hành các cơ cấu âm thầm của công giáo, hai lần bị bắt,…rồi được tha mạng, nhưng ngài cũng tìm cách trở lại Sài Gòn qua ngõ Singapore, đến Bãi Xan và trở về Chợ Quán.


Năm 1859, tình hình căng thẳng Pháp xâm chiếm Sài Gòn, quân triều đình yếu thế, quay mũi nhọn về phía người công giáo.


Ngày 13.02.1859, thánh Phaolô Lộc bị trảm quyết tại Trường Thi Sài Gòn


Ngày 28.05.1859, Thánh Phaolô Hạnh bị hành quyết tại Chí Hòa. Bổn đạo Chợ Quán bị phân sáp đến các làng xã ở Hốc Môn ….


Đức Cha Lefèbvre rời Chợ Quán sang Xóm Chiếu, khu vực này quan quân triều đình bỏ chạy hết, dân địa phương cũng bỏ nhà, bỏ đất, bỏ vườn chạy đi vì sợ người công giáo trả thù theo sự đồn thổi của quan quân Triều đình Huế.


Bổn đạo nghe tin Đức Cha đang có mặt ở Xóm Chiếu, lần lượt kẻ trước người sau sang Xóm Chiếu để tránh bắt bớ và bị vu oan dẫn đường cho quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Từ Chợ Quán sang, bổn đạo quy tụ lập nên Họ đạo Xóm Chiếu và Khánh Hội, Đức Cha cũng cho quy tụ các chủng sinh cất trường cho chủng sinh có chỗ sanh hoạt trở lại.


Năm 1863, Đức Cha Ngãi (Lefèbvre) dời sang Sài Gòn cùng với các cha thừa sai trú ngụ tại khu Đồn đất. Khi nhà trường Latinh xây cất, các cha thừa sai tập trung về đây, chia nhau đến các nhóm giáo hữu đang qui tụ tại Thị Nghè, Cầu Bông (Gia Định), Chợ Quán, Cầu Kho, Tân Định, An Nhơn, Gò Vấp, Chí Hòa, ….


II. Thành lập Họ Sài Gòn

Quân Pháp ổn định xong Sài Gòn, họ bắt đầu kế hoạch phát triển. Năm 1863, Đô Đốc De la Grandière cất một nhà thờ bằng gỗ gọi là Nhà Thờ Đức Mẹ chẳng hề mắc tội tổ tông, tại đường Charner cách bờ sông Sài Gòn chừng 500 mét, về sau nơi này là Tòa Án Quận 1, nay là Tòa Án nhân dân quận I.


Địa giới Họ Sài Gòn: phía bắc bờ rạch Avalance, bên kia là Họ Thị Nghè; phía đông sông Bạch Đằng, bên kia là họ Thủ Thiêm và Vĩnh Hội; Phía Nam ranh giới từ đường Richaud đến đường Verdun, Họ Tân Định và Chợ Đũi. (Richaud: Phan Đình Phùng nay là đường Nguyễn Đình Chiểu – Verdun: Lê Văn Duyệt nay là Cách Mạng Tháng Tám)


Cha sở đầu tiên là Linh mục Oscar de Moroberne ( Thiện ); cơ sở tổ chức của Họ Sài Gòn có trường Latinh (Chủng viện), Dòng Thánh Phaolô thành Chartres cũng gọi là Nhà Trắng Saigon, Dòng Carmel (gọi là Nhà Kín), một Nhà Thương và một Cô nhi viện do các Bà Dòng Thánh Phaolô đảm trách. Năm 1864, Đức Cha Ngãi vì sức yếu, xin Tòa Thánh cho từ chức về Pháp. Đức Cha Mịch (Miche) từ Nam Vang về Sài Gòn cai quản địa phận tây Đàng Trong.


Ngày 15.06.1865, một cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa trọng thể qua các đường phố chính khu vực Saigon do Đức Cha Mịch chủ sự, để tạ ơn Chúa chấm dứt cuộc bắt đạo tại Việt Nam và xin ơn bình yên cho địa phận.


Năm 1873, Đức Cha Gioan Mịch qua đời. Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Colombert làm Giám mục thay thế. Ngài cử cha Henri de Kerler (Lành) là cha sở Họ Sài Gòn thay cha Oscar (Thiện).


Năm 1874, Nhà thờ Sài Gòn ở đường Charner hư không dùng được nữa, trong khi chờ đợi xây cất nhà thờ mới, địa điểm trường Taberd cạnh Bưu điện bây giờ được chọn để dùng làm Nhà Thờ Họ Sài Gòn.


1877, Cha Henri Kerler qua đời, Đức Cha bổ nhiệm cha Henri Le Mée (Lễ) làm cha sở Họ Sài Gòn; cũng trong năm này khởi công xây cất Nhà Thờ.


III. Nhà thờ Chính Tòa

Ngày 07.10.1877, Đức Cha Colombert (Mỹ) thánh hiến viên đá đầu tiên xây cất Nhà thờ Sài Gòn – vị trí này, theo dư luận có sự tranh chấp giữa ba phía: Phía nhà cầm quyền Pháp, muốn xây cất Nhà Hát Thành Phố ở chỗ này. Phía Tin Lành muốn cất Nhà Thờ và phía Công Giáo cũng chọn nơi đây. Sau một thời gian tranh cãi đành phải bắt thăm – Phía Công Giáo, Đức Cha Colombert (Mỹ) yêu cầu giáo hữu toàn địa phận ăn chay cầu nguyện và ngài xin dâng cho Đức Trinh Nữ Maria lo liệu; đến ngày bắt thăm, phía Công Giáo bắt thăm trước và trúng thăm – hai phía kia bất bình và yêu cầu bắt thăm lại. Lần này phía nhà cầm quyền Pháp dành bắt thăm trước, kế đến phía Tin Lành, cả hai đều nhìn nhận phía Công Giáo trúng thăm,... (đây là lời kể lại của cha Phaolô Đoàn Quang Đạt, năm 1940 khi là cha sở Họ Bà Rịa, và cha Giuse Bùi Văn Nho kể tiếp vào năm 1979 Cha sở họ J.d’Arc (Ngã Sáu) và một vài cha già khác).


Nhà Thờ do kỹ sư Pháp, ông Bourard vẽ kiểu và tận tâm làm quản đốc trông coi xây cất công trình này vì sáng danh Chúa, ông Bourard là kỹ sư chuyên về kiến trúc Nhà Thờ, gạch ngói từ Pháp chở sang loại không phai màu, không bám rêu, công nhân xây cất chọn trong số thợ lành nghề người Công Giáo.


Nhà thờ dài 93 mét, rộng 35 mét; hai tháp lúc đầu cao 36,9 mét, chịu sáu quả chuông cộng lại là 28.850 ký với các âm thanh buồn vui trầm bổng, âm thanh trong nhà thờ khi cha sở giảng dạy vang tiếng đều nhẹ nhàng. Hệ thống ánh sáng tự nhiên trong nhà thờ êm dịu, mặt tiền nhìn thẳng ra sông Sài Gòn, gió thổi hút mất vào bên trong nên người cầu nguyện lâu không thấy nóng nực mà rất dễ chịu, hai tháp lúc đầu không có phần cao nhọn lên mà trên đầu tháp bằng kiểu Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp).


Ngày 11 tháng 04 năm 1880, Đức Cha Colombert dâng thánh lễ tạ ơn khánh thành Nhà Thờ Sài Gòn. Chi phí xây cất hết 2,500,000 Fr. Bàn thờ chính toàn một khối đá cẩm thạch trắng, hai bên hành lang có những phòng nhỏ đặt 14 chặng đàng Thánh Giá và đồng thời tôn kính các thánh.


Năm 1895, làm tiếp theo phần cao nhọn trên của tháp, phần này lên tới 21 mét, tính chung lại hai tháp cao 57 mét từ mặt đất lên đến cây Thánh Giá.


IV. Năm Thánh Mẫu

Nhân dịp năm Thánh Mẫu toàn quốc Việt Nam 1959, để kỷ niệm biến cố này và cũng để xin ơn hòa bình cho Việt Nam, một tượng Đức Mẹ được đặt trước công viên tiền đường Nhà Thờ trong ngày lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Hồng Y Agagianian Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng làm phép.


Ngày 09 tháng 12 năm 1959, Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền cử hành nghi lễ xức dầu cung hiến Thánh Đường được Tòa Thánh nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường.


Trong dịp này một cuộc rước kiệu Đức Mẹ long trọng qua các đường phố chính của Sài Gòn, một nghênh đài dặt giữa lộ Thống Nhất sau Vương Cung Thánh Đường để cử hành Thánh Lễ bế mạc năm Thánh Mẫu tại Việt Nam.


Trong Nhà thờ có những phòng ở hai bên hành lang: từ tiền đường vào phía bên phải, phòng kính thánh Antôn, tượng ảnh này cao lớn như người thật; kế đó là phòng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, có đặt tượng thánh nữ Anê Đê, Thánh Philípphê Minh, Thánh Phaolô Lộc và Thánh Matthêu Gẫm; chính giữa có hài cốt của các Ngài để bổn đạo đến kính viếng; tiếp theo phòng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp; phòng thánh Jeanne d’Arc, Thánh Rôcô và Thánh Patrick; tiếp đến là phòng kính Chúa Giêsu Vua và sau cùng là phòng Kính thánh Giuse. Bên dưới tượng đài thánh Giuse có mộ cha Eugenius SOULLARD, trên mộ ghi: né le 13 juillet 1867, en mission le 18 Aôut 1893, décedé le 06 Octobre 19.


Từ tiền đường vào phía bên trái, phòng rửa tội có tượng thánh Gioan Baotixita, và tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội kỷ niệm đại Hội Thánh Mẫu tòan quốc Việt Nam (16,17,18/12/1959); kế tiếp là phòng kính Tổng lãnh Thiên Thần Micae; Tiếp đến phòng kính Tượng Chúa Giêsu Chịu khổ nạn, có thêm tượng Thánh Têrêsa hài Đồng Giêsu; kế đến là phòng kính thánh Anna, Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria; kế đến là phòng kính Thánh Phanxicô Assisi, kế đến phòng kính Đức Mẹ Fatima.

Vào cung phía sau bàn thờ những phòng kính các thánh từ cung Thánh bên phải đi vào có phòng thánh, phòng kính thánh Phanxicô Xaviê bổn mạng thứ hai của nhà Thờ Chánh Tòa Đức Bà Sài Gòn; Phòng kính Thánh Giuse, Phòng chính giữa kính Đức Mẹ Mân Côi, nơi đây có ba ngôi mộ của ba vị Giám Mục:


1. Đức Cha Isidore Francis, Joseph COLOMBERT Epus. Samosatenus

né le 20 Mars 1838, en missipn 22 aout 1863

Vic. Ap. Cocincine occidentatis die 20.03.1873

Perfunctus die 30 dec. 1894.


2. Đức Cha Jean Marie Dépierre,

ne lé 18 jan. 1855 à Thoiry

en mission 01 jan. 1880

Vic. Ap. Cocincine Epic. Beudensis die 18 jan. 1895

Perfunctus die 18 Oct 1898.


3. Đức Cha Marie Joseph Dumortier,

né le 06 aout 1869 à Delobol

en mission 28 sept. 1898

Vic. Ap Saigonnensis Epis. Leparen die 06 Aprillis 1938

Perfunctus die 16 Februarii 1940.


Tiếp đến từ Cung Thánh vào bên trái; phòng để dụng cụ nhà thờ; phòng kính Đức Maria đón nhận Tin Mừng (Truyền Tin); phòng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.


Trong Nhà Thờ, tượng ảnh Đức Mẹ đứng trụ đá cao phía sau bàn thờ là một khối đá nguyên. Cây Thánh Giá tượng Chúa chịu nạn bằng gỗ cao hai mét, trước kia nơi cột câu lơn rước lễ cũ phía phòng thánh, ảnh này có một giai thoại lịch sử: (+)


(Trích từ sách: SƯU TẬP NHỮNG HỌ ĐẠO CỔ XƯA CỦA SÀI GÒN, ĐỊA PHẬN TÂY ĐÀNG TRONG, NĂM 1992, TRANG 437 – 444)

8 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page