Tôi cứ tự hỏi tại sao nó lại chi phối đời sống cảm xúc của người dân đô thị đến như vậy? Nhà thờ Đức Bà là trung tâm của một nút giao thông. Người ta có thể tiếp cận với nó không chỉ ở mặt tiền mà cả ở bốn phía. Nó như một cái gạch nối nhẹ nhàng giữa cuộc sống đô thị và đời sống tâm linh. Các cặp vợ chồng mới cưới có thể chụp ảnh bên nhà thờ ở nhiều góc độ với những hoạ tiết kiến trúc đẹp. Du khách có thể đến với không gian này một cách tự nhiên. Xung quanh nhà thờ là quảng trường và hệ thống giao thông. Cuộc sống diễn ra thường ngày rất tự nhiên, bên kia đường là phụ huynh đón con giờ tan học, là người mua thiệp đem đi tặng nhau một niềm vui. Các sự kiện khác nhau diễn ra ở đây đều phù hợp, từ một cuộc duyệt binh đến đi bộ thể thao hoặc đi dạo. Ngày lễ, người dân thành phố cứ ra đường là bị cuốn đi như một sức hút đổ về phía nhà thờ Đức Bà. Gần đó là cao ốc Diamond, một biểu tượng của đời sống thương mại thành phố, là Nhà văn hoá thanh niên. Xa hơn một chút là trung tâm hành chính, chính trị. Kề bên nhà thờ là bưu điện Sài Gòn. Nhà thờ chan hoà trong một không gian phức hợp về văn hoá cộng đồng. Có lẽ đó là nguyên nhân khiến nó có sức hút như vậy trong đời sống và tâm hồn của người dân thành phố.
KTS Nguyễn Thu Phong
(phó chủ tịch Hội KTS TP.HCM)
Nếu không có một nhà thờ Đức Bà ... Thì có thể trước đó đã không có con dốc đường Bonard (Đồng Khởi). Và trước đó nữa không có cả một vùng gò cao đẹp đẽ nằm cuối một con rạch (là đường Nguyễn Huệ bây giờ) một thời ghe thương hồ sầm uất.
Một cách tự nhiên, một công trình đại diện cho lòng ước mơ hướng thượng ai lại chọn nơi trũng thấp? Hơn nữa theo tập quán sử dụng, nhà thờ còn cùng với bưu điện, trụ sở chính quyền, nhà hát, quảng trường… phải là một tổ hợp hình ảnh trung tâm đô thị, đại diện cho bộ mặt và sức mạnh của nhà cầm quyền dưới con mắt người dân thuộc địa - kiến trúc, lại là một công trình kiến trúc thành công, không thể tình cờ như bốc một con số lô tô từ trong túi vải. Văn hoá kiến trúc là kết quả tương tác của cả cộng đồng xã hội theo dòng lịch sử. Nói cho cùng nếu không có một nhà thờ Đức Bà thì đã có một công trình kiến trúc nổi tiếng nào đó khác nhưng cũng đã không có một trăm năm thuộc Pháp!
KTS Nguyễn Văn Tất
Một không gian tâm linh gần gũi, thân thiện Nhà thờ Đức Bà được xây dựng tại khu đất cao nhất của Sài gòn, kiểu kiến trúc theo lối kết hợp phong cách Roman và Gothic với vòm cuốn trên đầu cửa và cung cuốn gãy kiểu Gothic bên trong và gác chuông bên ngoài. Với vị trí và chiều cao trên 57m, nhà thờ Đức Bà đã trở thành một công trình tiêu biểu cho không gian đô thị cả vùng trung tâm Sài Gòn và do đó ý nghĩa về mặt biểu tượng nhiều khi còn vượt trên cả ý nghĩa công năng của nó. Dù không thành văn, người dân Sài Gòn và cả du khách đến thăm thành phố đều công nhận nhà thờ Đức Bà là ngôi thánh đường đẹp nhất và quan trọng nhất của giáo phận Sài Gòn, là niềm tự hào của người dân thành phố. Thậm chí, nhà thờ trở thành một điểm lý tưởng của những cặp uyên ương đánh dấu cho một cuộc sống mới.
Nhà thờ Đức Bà thuộc dòng kiến trúc phương Tây với kỹ thuật xây dựng tiên tiến lúc bấy giờ và sử dụng vật liệu mới của thời điểm đó như sắt, thép, kính… Vì được xây dựng trên mảnh đất Sài Gòn xưa nên ít nhiều bước đầu công trình vẫn có sử dụng một vài yếu tố mang nét văn hoá Phương Đông như việc đáp ứng yêu cầu điều kiện thời tiết khí hậu nhiệt đới bản xứ. Nội thất với kính màu trang trí nhiều hình tượng phương Đông. Về mặt vật liệu xây dựng: tường đá xanh Biên Hoà kết hợp với gạch đỏ Marseille để trần và không bị đóng rêu. Mái lợp ngói đỏ cũng đem từ Marseille sang, sau này thay bằng ngói Phú Hữu với chất lượng không kém ngói Pháp. Ánh sáng tự nhiên chiếu từ các khung cửa kính màu dặt làm tại hãng nổi tiếng Lorin ở Sartres. Toà nhà được thông gió khá tốt nhờ hệ thoống cửa.
Đây là một công trình kiến trúc thật sự có giá trị rất lớn về mặt lịch sử và nghệ thuật kiến trúc xây dựng. Là minh chứng sống cho một thời kỳ lịch sử của dân tộc ta. Mặc dầu nhà thờ Đức Bà đã trải qua trên trăm năm tuổi nhưng ngày nay nó vẫn tồn tại như một di tích sống minh chứng cho sự tư do tín ngưỡng của đất nước. Khách tham quan nước ngoài và trong nước không thể không đến nơi đây, đặc biệt là vào đêm Noel khu vực nhà thờ và trung tâm thành phố biến thành một khu vực lễ hội tưng bừng.
PGS - TS- KTS Nguyễn Khởi