TIẾN TRÌNH DỰ TÒNG
Tiến trình khai tâm Kitô giáo chú ý đến những bước tiến tuần tự từ việc huấn luyện đến việc tham gia vào mầu nhiệm cứu độ, tiến trình này đã được tài liệu của Thánh bộ Phụng tự gọi là Nghi thức khai tâm Kitô giáo dành cho người lớn mô tả một cách chính xác và có giá trị qui phạm cho những ai muốn trở thành Kitô hữu. Chúng ta cùng xem xét những yếu tố cơ bản và những thực hành trong mỗi giai đoạn.
I. Những nguyên tắc qui phạm của Nghi thức khai tâm Kitô giáo của người lớn
Những nguyên tắc chính yếu của Nghi thức khai tâm Kitô giáo của người lớn dựa trên mô hình huấn luyện Kitô hữu theo bốn điểm nhấn sau:
-
Việc loan báo Tin Mừng là việc ưu tiên cần thiết;
-
Sự liên hệ giữa việc khai tâm với cộng đoàn Kitô hữu;
-
Mối liên kết chặt chẽ và có tổ chức giữa ba bí tích khai tâm: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể;
-
Sự khai dẫn vào năm phụng vụ mà trọng tâm là việc cử hành “ngày Chúa Nhật (dies dominicus)”.
Các nghi thức gia nhập Kitô giáo thích ứng với con đường thiêng liêng của người lớn. Con đường này rất đa diện, tùy thuộc vào nhiều hình thức khác nhau của ơn Chúa, tùy thuộc sự cộng tác tự do của các đương sự, tùy hoạt động của Hội thánh và hoàn cảnh thời gian cũng như văn hóa địa phương của mỗi ứng viên. Trong con đường này, ngoài thời gian tìm hiểu và trưởng thành, người dự tòng phải tiến dần từng ‘giai đoạn’ tựa những nấc thang và đòi hỏi phải trải qua ‘những thời gian’ cần thiết cho việc tìm hiểu và trưởng thành ấy (NGKL, 5-6).
Thật vậy, việc gia nhập Kitô giáo không chỉ là một điểm đến mà là một tiến trình, trải qua ba giai đoạn được hình thành trong bốn thời (gian) liên tiếp. Chúng ta cùng xem xét dưới ở phần dưới đây.
II. Ba giai đoạn khai tâm Kitô giáo
Đây là ba giai đoạn quan trọng của tiến trình gia nhập Kitô giáo. Mỗi giai đoạn đều được biểu thị bằng một nghi thức phụng vụ: giai đoạn thứ nhất có nghi thức tiếp nhận người dự tòng, giai đoạn thứ hai có nghi thức tuyển chọn và giai đoạn thứ ba có việc cử hành các bí tích.
-
Giai đoạn thứ nhất là khi đương sự khởi đầu việc trở lại, muốn tòng giáo và được Hội Thánh nhận.
-
Giai đoạn thứ hai là khi đương sự đã có lòng tin khá vững, và đã gần xong thời dự tòng, được chấp nhận để tích cực chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo;
-
Giai đoạn thứ ba là khi đương sự đã được chuẩn bị chu đáo về mặt thiêng liêng, lãnh nhận các bí tích để bắt đầu đời sống Kitô hữu.
III. Bốn thời gian dành cho việc khai tâm Kitô giáo
Bốn thời gian hay bốn giai đoạn làm thành hành trình hay tiến trình khai tâm Kitô giáo, bao gồm: thời gian tiền dự tòng, thời gian dự tòng, thời gian thanh tẩy và soi sáng, thời gian nhiệm huấn.
1 ) Thời gian tiền dự tòng
Đây là thời gian khởi giảng Tin Mừng và chuẩn dự tòng. Thời gian này sẽ chấm dứt khi đương sự gia nhập bậc dự tòng (xem cử hành gia nhập dự tòng).
a) Thời gian này kéo dài trong bao lâu?
Thời gian dành cho giai đoạn tiền dự tòng tùy thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa và sự cộng tác của mỗi ứng viên. Vì thế không thể ấn định một cách tiên thiên cho hành trình huấn luyện này, cũng không thể ấn định trước ngày kết thúc. Trong suốt thời gian của tiến trình khai tâm Kitô giáo, nhất là trong giai đoạn đầu tiên này, cần có sự linh động, uyển chuyển, thích nghi, kiên nhẫn chờ đợi và tôn trọng tự do cũng như thời gian tăng trưởng nơi mỗi ứng viên. Ước mong là thời gian tiền dự tòng nên kéo dài một vài tháng để bảo đảm cho một chọn lựa đầy trách nhiệm, một đức tin chân thực và một sự hối cải đích thực đầu tiên.
b) Mục đích của thời gian này là gì? Nhắm đến những ai?
Thời gian này nhằm giúp cho việc mở ra và sẵn sàng đón nhận ơn đức tin, đồng thời giúp thỉnh nhân bày tỏ khuynh hướng chọn lựa sống theo Tin Mừng.
Việc chăm sóc mục vụ hướng đến những người có thiện cảm (với đạo công giáo) nhằm cống hiến một sự đón tiếp huynh đệ chân thực, đầy nhiệt tình nhân bản, cũng như quan tâm đến cuộc sống và lịch sử cá nhân của mỗi người, can đảm và xác tín đề nghị sống Tin Mừng với họ, tuy nhiên cũng cần sự kiên trì chờ đợi. Trong giai đoạn này đòi hỏi sự chú ý đến nét văn hóa và tôn giáo của đương sự (họ đến từ đâu, thuộc thành phần nào, lối sống nào, tôn giáo nào…), để biết rõ lý do và động lực thúc đẩy họ tìm đến đạo công giáo mà có cách loan báo Tin Mừng phù hợp với những mong đợi và vấn đề của họ.
c) Ai đón tiếp? Đón tiếp như thế nào?
Đây là lần đầu tiên cộng đoàn giáo xứ được mời gọi dấn thân cho việc cổ võ một hoạt động truyền giáo xứng hợp để làm chứng đời sống Kitô hữu, để gặp gỡ những người còn ở xa đức tin tiến gần đến Đức Kitô, để cổ võ những bước đầu tiên trong đức tin của họ. Vì thế, bên cạnh sự đón tiếp cá nhân thì đây cũng là cơ hội mà cộng đoàn Kitô giáo đón tiếp người có ý định tìm hiểu đức tin. Giai đoạn này không có một nghi thức đặc biệt nào, nhưng người muốn tìm hiểu đạo sẽ được cha xứ giới thiệu trong một buổi họp của cộng đoàn, buổi họp này gồm có người đồng hành, các giáo lý viên, bạn bè hoặc người thân, một vài thành viên của giáo xứ…Người tìm hiểu được ân cần đón tiếp trong tình huynh đệ, trong bầu khí thân thiện, đối thoại và cầu nguyện. Trong lúc này cha xứ có thể giao người tìm hiểu cho giáo lý viên phụ trách việc rao giảng Tin Mừng đầu tiên.
d) Ai là những người có trách nhiệm trong giai đoạn này?
Lộ trình huấn luyện trong thời kỳ đầu tiên của việc khai tâm Kitô giáo là sự huấn luyện cá nhân, vì thế cần thích nghi với hoàn cảnh xã hội, văn hóa và tôn giáo của từng người. Giáo lý viên và vị chủ chăn có một vị trí quan trọng trong việc gặp gỡ cá nhân này với mục đích giúp ứng viên phân định việc chọn lựa Kitô, để khích lệ, soi sáng và nâng đỡ hành trình khai tâm đức tin của họ. Cha xứ là người có nhiệm vụ và quyền hạn đầu tiên để kiểm chứng và cải chính những động lực theo đạo của người mới tìm hiểu.
Sự đồng hành của người bảo lãnh và của giáo lý viên, những buổi gặp gỡ giữa ứng viên với vị linh mục, thầy phó tế, với các gia đình Kitô hữu và với những đoàn thể, nhóm Kitô hữu trong giáo xứ là những kinh nghiệm khác nhau và bổ sung cho nhau trong việc tăng trưởng đời sống tâm linh của người ước muốn trở thành Kitô hữu. Thật vậy, những cuộc gặp gỡ này giúp làm sáng tỏ và thúc đẩy việc chọn lựa Kitô giáo, là những cơ hội đối chiếu và đối thoại về những nội dung và cách sống theo Tin Mừng, trở thành sự nâng đỡ và khích lệ hướng đến hành trình hoán cải, trợ giúp việc khám phá Thiên Chúa trong cầu nguyện và gặp gỡ, hình thành những kinh nghiệm khởi đầu về cộng đoàn Kitô hữu. Toàn thể Dân Thiên Chúa, cùng dấn thân để hỗ trợ hành trình tìm kiếm của những người tìm hiểu thông qua việc làm chứng, việc đón tiếp và lời cầu nguyện.
e) Đâu là những nội dung cơ bản của việc loan báo Tin Mừng đầu tiên?
Nét cơ bản của giai đoạn này là việc loan báo đầu tiên một cách rõ ràng sứ điệp cứu độ. Vì vậy, tiền dự tòng là thời gian của việc loan báo Tin Mừng, với mục đích dẫn đưa, bằng sự trợ giúp của Thánh Thần, những người chưa phải là Kitô hữu đến một đức tin chân thực đầu tiên-gắn bó với Thiên Chúa trong Đức Kitô, dẫn đến sự hoán cải tiên khởi, đến sự thấu triệt những yếu tố đầu tiên về giáo huấn Kitô giáo, đồng thời làm chín muồi ước muốn theo Chúa Kitô và ước muốn xin chịu phép Rửa một cách nghiêm túc. Đây là thời gian của việc “loan báo đầu tiên”, của “tin vui” đó là loan báo về Thiên Chúa hằng sống, về Đức Kitô đã chết và sống lại và về ơn cứu độ của Người.
Trong việc loan báo đầu tiên này không thể thiếu một số nội dung cơ bản: Đức Giêsu Kitô là người thật và là Thiên Chúa thật, là Đấng mạc khải về Chúa Cha, về tình yêu và ơn cứu độ của Ngài, về tình yêu vô bờ của Ngài đối với những người bé nhỏ, người nghèo và người tội lỗi, về cái chết và sự sống lại của Ngài cho chúng ta, lời hứa ban Thánh Thần, sự hiệp thông và tình huynh đệ giữa những người gắn kết với Ngài, sự cần thiết tin tưởng vào Ngài để có sự sống đời đời. Những điều này có thể thực hiện tùy mức độ ứng viên tiếp cận với Tin Mừng như thế nào.
f) Huấn luyện theo phương pháp nào?
Việc huấn luyện trong giai đoạn đầu tiên này là loan truyền những nội dung của việc loan báo Tin Mừng đầu tiên, điều này đòi hỏi một sự thích nghi xứng hợp với điều kiện của mỗi người: trình độ giáo dục và văn hóa, điều kiện tinh thần, những hoài nghi và định kiến. Nhất là phải phân biệt việc trình bày sứ điệp Kitô giáo theo cách mà người tìm hiểu đến từ sự vô tín, từ một tôn giáo độc thần, từ các tôn giáo khác nhau, từ những phong trào tôn giáo hay các giáo phái khác.
Cử hành gia nhập dự tòng
Chỉ khi ứng viên đã đạt đến một sự khởi đầu xứng hợp, nghĩa là có biểu hiện trưởng thành về mặt tinh thần và thể hiện một ước muốn nghiêm túc được trở nên tông đồ của Đức Kitô và có ý muốn xin chịu phép Rửa, thì người ấy mới được công khai tiếp nhận như một người dự tòng: qua nghi thức gia nhập dự tòng “những người ứng viên bày tỏ ước muốn của mình với Giáo Hội và Giáo Hội…đón nhận những người có ước muốn trở nên thành viên của mình” (NGKL, 14).
Cũng có thể ứng viên bày tỏ chọn lựa của mình với cha xứ hoặc với Giám Mục giáo phận để được ghi danh trở thành Kitô hữu, với ước muốn hoàn toàn tự do, xác định những động lực và trách nhiệm đào sâu sự huấn luyện để lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Trước khi cử hành nghi thức gia nhập đòi hỏi ứng viên phải hội đủ điều kiện, nghĩa là được kiểm định về những lý do chọn lựa trở thành Kitô hữu, nhất là sự trưởng thành tâm linh theo những đòi hỏi của Nghi thức gia nhập Kitô giáo dành cho người lớn. Sự thẩm định thuộc về trách nhiệm của cha xứ, với sự giúp đỡ của người bảo lãnh, giáo lý viên và các thầy phó tế. Điều này được thực hiện theo cách thức và những tiêu chuẩn cụ thể của việc đánh giá mà bộ phận chăm lo cho người dự tòng của giáo phận đề nghị.
Nghi thức gia nhập dự tòng “bao gồm việc đón tiếp các ứng viên, phụng vụ lời Chúa và giải tán” (NGKL, 72). Sau khi đón tiếp, các ứng viên nhận dấu Thánh giá trên trán và trên các giác quan, biểu tượng bảo vệ của Đức Kitô và là dấu chỉ Giáo Hội đầu tiên của sự trực thuộc Thiên Chúa. Kết thúc phần phụng vụ lời Chúa là nghi thức trao sách Tin Mừng, biểu thị lời mời gọi người dự tòng lắng nghe lời Chúa và làm theo lời chỉ dạy đó trong chính cuộc sống của mình. Nên cử hành nghi thức này giữa cộng đoàn hoặc giữa những người trong gia đình, bạn bè, giáo lý viên và các vị chủ chăn.
2) Thời gian dự tòng
Dự tòng là thời gian của việc luyện tập và thực hành đức tin cũng như đời sống Kitô hữu, khởi đầu bằng những mầu nhiệm cứu độ và một đời sống Tin Mừng mạch lạc thông qua hành trình đức tin, phụng vụ và đức ái. Thời gian này kết thúc bằng nghi lễ tuyển chọn. Mục đích của thời gian này là giúp tăng trưởng đời sống tâm linh qua bốn “phương thế” cơ bản đó là: giáo lý, luyện tập đời sống Kitô hữu, kinh nghiệm phụng vụ và chứng từ tông đồ-truyền giáo. Đây là bốn kinh nghiệm nối kết sống động cần thiết cho một hành trình huấn luyện Kitô giáo nghiêm túc.
a) Thời gian học giáo lý một cách có hệ thống và tổ chức
Giáo lý trong thời gian này phải là một sự trình bày cơ bản và toàn bộ sứ điệp Kitô giáo, tương xứng với năm phụng vụ, thống nhất với việc cử hành Lời. Những điều này nhằm mục đích không chỉ dẫn người dự tòng đến sự hiểu biết những chân lý nền tảng của giáo huấn Kitô giáo mà còn vổ võ việc làm môn đệ đích thực của Đức Kitô thông qua sự huấn luyện tâm thức đức tin, như thánh Basiliô nhấn mạnh: “trước hết cần trở thành những môn đệ của Chúa, sau đó là được nhận vào trong bí tích Thánh Tẩy…Giáo huấn của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta hun đúc, uốn nắn tâm hồn chúng ta trong lời và trong hành động (của người môn đệ).
Để hoạt động giáo lý hữu hiệu và thống nhất, cần có một chương trình giáo lý được soạn thảo có hệ thống, phù hợp với thực tại địa phương và được Giám Mục giáo phận chuẩn nhận. Những nội dung đặt nền tảng trên Thánh Kinh và Truyền thống Giáo Hội – đời sống Giáo Hội, phụng vụ, giáo huấn – và Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo.
b) Huấn luyện thực hành đời sống Kitô hữu
Lời được lắng nghe giờ đây phải được diễn tả trong cuộc sống. Bởi vậy, thánh Cipriano nhắc nhớ người dự tòng “đến (với việc học giáo lý) để học và học sống”. Thánh Gioan Crisostomo mô tả việc huấn luyện trước khi lãnh bí tích Thánh Tẩy giống như “phòng tập thể dục”. Cụ thể, việc thực hành này bao hàm việc người dự tòng tiến triển trong cuộc chiến tâm linh thông qua những luyện tập thống hối, từ bỏ, không ngừng khẩn cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa. Đòi hỏi một sự hoán cải đời sống, sự thay đổi não trạng và tập quán, tiếp nhận thái độ sống Tin Mừng. Là việc rèn luyện đời sống Kitô hữu, hướng đến việc cầu nguyện, yêu mến tha nhân, chứng từ Kitô giáo, thực hành thói quen Tin Mừng, tỉnhthức trông đợi Đức Kitô.
c) Việc học giáo lý và thực hành đời sống Kitô hữu phải được nâng đỡ và bổ sung bởi một kinh nghiệm phụng vụ phong phú. Thật vậy, tiến trình dự tòng diễn ra với những nghi thức và nhiều cử hành khác nhau.
Những lần trừ tà đầu tiên trình bày cho người dự tòng những đặc tính đúng đắn của đời sống tâm linh, sự chiến đấu giữa thể xác và tinh thần, giá trị của việc từ bỏ để bước theo những mối phúc của Nước Trời và không ngừng nhận lãnh sự trợ giúp của Thiên Chúa (x. NGKL, 101). Việc trừ tà được lặp đi lặp lại nhiều lần, thực hiện trong khi cử hành Lời Chúa, cũng như lúc đầu và cuối của một buổi học giáo lý.
Những lời cầu phúc nói lên tình yêu Thiên Chúa và sự quan tâm của Giáo Hội, để những người dự tòng có thể nhận được sự khích lệ, niềm vui và bình an, tiếp tục theo đuổi hành trình khó nhọc này. Những lần trừ tà và chúc lành đầu tiên được linh mục hoặc phó tế hay giáo lý viên được Giám Mục ủy thác cử hành.
Vì lợi ích của những người dự tòng, việc cử hành lời Chúa thường được sắp xếp vào Chúa Nhật. Điều này cũng nhằm đề nghị người dự tòng từng bước tham dự vào phần cử hành phụng vụ Lời Chúa là phần đầu của Thánh lễ ngày Chúa Nhật, tiếp đó là nghi thức giải tán sau phụng vụ lời Chúa. Nhờ vào những cử hành này, người dự tòng có thể đào sâu thêm lời Chúa, khám phá những khía cạnh và những hình thức mới của cầu nguyện, đồng thời ngang qua những dấu chỉ, sự hiểu biết những dấu chỉ, những hành động và những thời gian của mầu nhiệm phụng vụ, họ được dần dà dẫn vào việc thờ phượng của cộng đoàn Giáo Hội và dần dần hình thành việc thánh hóa ngày Chúa Nhật.
Vào lúc thích hợp, người dự tòng được trao Kinh Tin Kính, phù hợp hơn cả là trong mùa chay của năm đầu tiên dự tòng. Việc trao Kinh Tin Kính, có thể thực hiện trong thánh lễ với sự tham dự của cộng đoàn tín hữu. Thông qua nghi thức này, dân Thiên Chúa diễn tả một cách rõ nét giá trị ơn gọi truyềngiáo của Giáo Hội và của các môn đệ, những người được kêu gọi để loan báo không ngừng mầu nhiệm cứu độ được hoàn tất nơi Đức Kitô. Cùng với việc trao Kinh Tin Kính, thì Sách toát yếu đức tin Kitô giáo cũng là nội dung để đối chiếu việc học giáo lý của những người dự tòng.
d) Cuối cùng, dự tòng là thời gian của những kinh nghiệm tông đồ và truyền giáo đầu tiên. Việc gắn bó với Đức Kitô đòi hỏi người mới đi theo Đức Kitô, cùng với lời đáp trả ngày một ý thức hơn, một chứng từ đức tin lớn dần, để cộng tác với việc loan báo Tin Mừng và với việc xây dựng Giáo Hội. Những người dự tòng diễn tả dấn thân tông đồ của mình bằng việc tuyên xưng đức tin và làm chứng đức tin trong cuộc sống của mình, bằng một sự thay đổi tâm thức và tập quán của mình, được thể hiện trong những môi trường sống của xã hội.
Sự tăng trưởng tâm linh của các dự tòng xảy ra trong cộng đoàn và được nâng đỡ bởi sự chăm lo kiên trì đầy tình mẫu tử của Giáo Hội thông qua việc nuôi dưỡng họ bằng lời Chúa, bằng những nghi thức và cử hành, bằng lời cầu nguyện và chứng từ của mọi tín hữu. Hơn nữa, sự góp phần của giáo lý viên và linh mục vẫn tiếp tục đồng hành và bảo đảm cho họ.
Trong thời gian này, mỗi người dự tòng được yêu cầu tìm cho mình cha hoặc mẹ đỡ đầu. Người đỡ đầu có thể là người bảo lãnh hoặc một người khác. Người đỡ đầu mà người dự tòng chọn cho mình là người đại diện cộng đoàn nên phải được sự chuẩn nhận của cha xứ.
Thời gian dự tòng tùy thuộc vào ơn Chúa và vào mỗi hoàn cảnh của ứng viên. Tuy nhiên, nên kéo dài một thời gian dài thì tốt hơn (NGKL, 19), để bảo đảm một sự hoán cải nghiêm túc và một sự trưởng thành phù hợp trong đức tin. Kinh nghiệm cho thấy nên kéo dài ít nhất hai năm và kết thúc với việc cử hành các bí tích khai tâm trong đêm Vọng Phục Sinh của năm thứ hai.
Cử hành việc tuyển chọn và ghi danh
Việc tuyển chọn, hoặc thâu nạp các dự tòng vào sự chuẩn bị gần cho bí tích Rửa tội là việc Giáo Hội phải làm, “dựa vào sự tuyển chọn của Thiên Chúa” (NGKL, 22). Vì vậy, những người được thâu nạp, họ được kêu gọi đến sự “tuyển chọn”, mà cũng là những người “đủ khả năng”, để lãnh nhận các bí tích khai tâm, như những người “được soi sáng”, như khi nói bí tích Rửa tội là bí tích chiếu sáng.
Trước khi cử hành nghi thức tuyển chọn cần có sự khảo sát về năng lực. Cho đến khi người dự tòng có thể được công nhận giữa những người được tuyển chọn, “đòi hỏi nơi họ một đức tin được chiếu sáng và ước muốn được lãnh các bí tích của Giáo Hội (NGKL, 134). Nghi thức này cũng đưa ra những điều kiện cần thiết để gia nhập: “sự hoán cải tâm trí và lối sống, một sự hiểu biết đầy đủ giáo huấn Kitô giáo, một ý nghĩa đức tin và đức ái sống động (NGKL, 23).
Cần nhớ rằng “việc cho phép tuyển chọn là việc liên quan đến Giám Mục” (NGKL, 44). Điều này có nghĩa là bao gồm sự hiện diện của chính Giám Mục giáo phận hoặc sự hiện diện của một vị ủy nhiệm của ngài trong việc thẩm định ứng viên.
Thật vậy, cùng với Giám Mục hoặc với vị ủy nhiệm của ngài, những người đồng hành với các người dự tòng trong hành trình trưởng thành của họ như: các linh mục, các phó tế, các giáo lý viên, những người bảo lãnh, những người đỡ đầu, những người đại diện cộng đoàn, đều được mời gọi thảo luận để quyết định về khả năng của các ứng viên.
Nghi thức tuyển chọn nên cử hành ở nhà thờ chánh tòa, do Giám Mục chủ tế, vào Chúa Nhật đầu tiên mùa chay. Trong thời gian cử hành, sau bài giảng, các ứng viên được giới thiệu, tuyên bố ý kiến và sự chuẩn nhận của Giáo Hội, vì thế, cần ghi tên những người gia nhập cộng đoàn Kitô giáo trong cuốn “Sách người tuyển chọn”. Tiếp đó là lời cầu nguyện cho những người được tuyển chọn và lời giải tán. Việc tuyển chọn này chấm dứt thời gian dự tòng.
3) Thời kỳ thanh tẩy và soi sáng
Việc tuyển chọn đã khai mở thời gian thanh tẩy và chiếu sáng. Trên nguyên tắc thời gian này gắn liền với Mùa Chay và kết thúc với Đêm Vọng Phục Sinh. Với sự nâng đỡ và tham gia chuyên chăm của cộng đoàn Kitô hữu, những người tuyển chọn được mời gọi sống hành trình tâm linh của sự thanh tẩy tận căn, của lòng thống hối và kiểm điểm đời sống, của sự chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm cách nghiêm túc. Sự tăng trưởng về mặt tâm linh được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện cá nhân, bằng việc đọc Kinh Thánh và thực tập khổ chế-sám hối, được phong phú hơn nhờ việc học giáo lý xứng hợp và được nâng đỡ bởi chính những nghi thức và cử hành.
Trong thời gian này việc đào sâu Lời Chúa được bảo đảm thông qua việc tham dự cách đều đặn phần đầu của thánh lễ Chúa Nhật, cùng với những buổi gặp gỡ giáo lý đặc thù mà trước hết dành riêng cho việc cầu nguyện và các bí tích khai tâm. Điều này gợi lên kinh nghiệm của các Giáo phụ nhận định rằng: việc dạy giáo lý về các bí tích sẽ phù hợp cho việc làm tăng giá trị và ngay cả việc giải thích theo thể loại, gợi lên ý nghĩa các hành vi linh thánh.
Những cuộc sát hạch có tầm quan trọng đặc biệt trong việc huấn luyện. Thật vậy, những cuộc khảo sát hướng đến việc thanh tẩy tâm trí, tăng sức chống trả các chước cám dỗ, điều chỉnh ý hướng và thúc đẩy ước muốn gắn bó mật thiết với Đức Kitô và luôn nhắm đến một sự dấn thân dứt khoát trong tình yêu Thiên Chúa.
Những cuộc sát hạch, được cử hành trong Chúa Nhật thứ III, IV và V mùa Chay, soi sáng những người được tuyển chọn về mầu nhiệm tội lỗi và về ý nghĩa hoạt động cứu chuộc của Đức Kitô, được trình bày như nước hằng sống trong Tin Mừng nói về phụ nữ Samaria, như ánh sáng trong TM nói về người mù từ lúc mới sinh, như sự sống lại và sự sống trong TM về sự sống lại của Lazarô. Vào Chúa Nhật tiếp theo sau đó là lần sát hạch thứ III, là thời điểm trao kinh Lạy Cha, toát yếu lời cầu nguyện tín hữu (NGKL, 189). Kết thúc bằng nghi thức Hãy mở ra (NGKL, 200-202).
Cử hành các bí tích khai tâm
Việc khai tâm Kitô giáo hoàn tất với việc cử hành bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể. Nhờ bí tích Rửa tội, các tân tòng, hiệp nhất với sự chết và sống lại của Đức Kitô, được giải thoát khỏi quyền lực bóng tối, đón nhận Tinh Thần nghĩa tử và trở thành những tạo vật mới; với bí tích Thêm sức, những người tân tòng, được ghi ấn tín Thánh Thần, được uốn nắn nên giống Chúa Kitô; thông dự với toàn dân Thiên Chúa khi tham dự Thánh lễ, tưởng niệm sự chết và sống lại của Chúa.
Cả ba bí tích khai tâm Kitô giáo được cử hành theo lẽ thông thường trong Đêm Vọng PS, nó mang ý nghĩa hiệp nhất với mầu nhiệm phục sinh và thông dự tròn đầy vào thân mình Đức Kitô, Đấng hằng sống trong Giáo Hội.
Ước mong, nếu có thể, chính Giám Mục ban các bí tích khai tâm cho người dự tòng trong Đêm Vọng PS. Việc cử hành như thế, nếu được cử hành trong nhà thờ chánh tòa, sẽ trở thành dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông với Giáo Hội địa phương. Nếu vì hoàn cảnh đặc biệt hoặc vì lý do mục vụ, nghi thức khai tâm cử hành trong những thời gian khác nhau, không phải vào mủa phục sinh, nhưng cần phải theo những chỉ dẫn riêng (NGKL, 59; 61-62; 209; 395).
4) Thời gian nhiệm huấn
Được tái sinh vào đời sống mới, những người tân tòng phải được “cộng đoàn tín hữu, cha mẹ đỡ đầu và các vị mục tử chăm sóc và tận tình giúp đỡ” để họ đào sâu những mầu nhiệm đã cử hành, củng cố thực hành đời sống Kitô hữu và trợ giúp “một sự hòa nhập hoàn toàn trong đời sống cộng đoàn” (NGKL, 235).
Để bảo đảm việc huấn luyện tân tòng cần phải dự liệu trước những buổi gặp gỡ giáo lý, nhằm giải thích thêm về các bí tích đã lãnh nhận, là cơ hội thuận tiện để hiểu các bí tích khác, nhất là bí tích Hòa giải, đào sâu mầu nhiệm Giáo Hội và ý nghĩa đời sống mới của người được rửa tội và việc đi theo Chúa Kitô. Cử hành “Thánh lễ cho người tân tòng” trong các Chúa Nhật PS cũng trợ giúp một sự hiểu biết có hiệu quả về các mầu nhiệm được cử hành và việc tham dự Thánh lễ luôn tích cực hơn, vì Thánh lễ là đỉnh cao và nguồn mạch của đời sống Giáo Hội.
Với sự chăm sóc đặc biệt sẽ giúp người tân tòng sống kinh nghiệm cộng đoàn và việc hòa mình vào đời sống giáo xứ. Người tân tòng, nhờ việc tăng cường mối liên hệ cá nhân với các thành viên của cộng đoàn, tham dự vào đời sống của giáo xứ và những hoạt động mục vụ, những hình thức và những sáng kiến huấn luyện thường xuyên cho các tín hữu lớn tuổi sẽ giúp người tân tòng hiểu biết hơn và có sự gắn bó không ngừng trong hành trình đức tin. Trong việc giúp người tân tòng hội nhập cộng đoàn thì trách nhiệm thuộc về cha mẹ đỡ đầu, các giáo lý viên và các vị chủ chăn.
Cuối mùa Phục Sinh là chấm dứt thời gian nhiệm huấn, cũng là thời kỳ cuối cùng của việc khai tâm. Trong lễ Hiện Xuống, cần sắp xếp một cử hành kết thúc long trọng. Những người tân tòng, rời bỏ vị trí dành riêng của mình, tháp nhập vào cộng đoàn dân Chúa, như thánh Augustinô nhắc nhớ: “Hôm nay những người mới được sinh ra, hiệp nhất với những tín hữu khác và họ bay ra khỏi cái nôi của họ”.
Tuy nhiên sự trưởng thành của những người tân tòng không hoàn toàn kết thúc, mà còn tiếp tục với việc tìm kiếm cá nhân, kinh nghiệm cộng đoàn, sự tham dự đời sống phụng vụ và đặc biệt tham dự vào những lộ trình huấn luyện thường xuyên dành cho người lớn. Một lưu ý khác là đến ngày giáp năm lãnh nhận bí tích Rửa tội, Đức Giám Mục phải tập họp các tân tòng lại để tạ ơn Thiên Chúa, để trao đổi với nhau những kinh nghiệm thiêng liêng và để tiếp nhận những năng lực mới cho hành trình đức tin (NGKL, 238-239).
Thay lời kết
Tiến trình dự tòng có thể nói là một hành trình tiệm tiến trong việc tìm kiếm để gắn kết với Thiên Chúa trong cộng đoàn. Tuy là một hành trình cá nhân nhưng người “lữ hành” không cảm thấy đơn độc, bởi vì họ bước đi cùng với cộng đoàn và nhất là với ơn trợ lực của Chúa. Hành trình này có thể nói đã họa lại rõ nét hành trình của hai môn đệ trên đường Emmaus, nói cách khác, hành trình Emmaus chính là hành trình của dự tòng, trong đó, trước hết hai môn đệ được Chúa Giêsu khơi lên vấn đề mà họ đang quan tâm, dựa vào đó, Chúa Giêsu thực hiện việc loan báo Tin Mừng (tiền dự tòng), rồi Người giải thích toàn bộ Kinh Thánh cho họ (giáo lý dự tòng), kế đó, Người bẻ bánh trước mắt các ông và các ông đã nhận ra Người (lãnh nhận bí tích), sau cùng các ông trở về với cộng đoàn các Tông đồ (nhiệm huấn – đời sống cộng đoàn) để làm chứng và ra đi loan báo Tin Mừng.
Như thế, hành trình dự tòng cũng là hành trình đức tin của mỗi Kitô hữu qua việc tìm kiếm – lắng nghe - cảm nếm – làm chứng.
Md Phạm Thị Thúy
Ban Giáo lý Tổng Giáo Phận Sài Gòn - Tp.HCM
Trung Tâm Mục Vụ, ngày 15 tháng 3 năm 2013
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớn (Ordo initiationis christianae adultorum, 1972), Bản dịch của Ủy ban Giám Mục về Phụng vụ, 1974.
-
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, Bản dịch của Ủy ban Giám Mục về Giáo lý đức tin, 2010.
-
PHILIPPE BÉGUERIE – MICHÈLE PIGÉ, CATECUMENATO DI SAINT-LAMBERT DE VAUGIRARD, Il catecumenato, cammino di vita (Dự tòng, hành trình sự sống), Edizioni Dehoniane Bologna (EDB), 2002.
-
UFFICIO CATECHISTICO NAZIONALE. SERVIZIO NAZIONALE PER IL CATECUMENATO,L’iniziazione cristiana. Documenti e orientamenti della Conferenza Episcopale Italiana (Khai tâm Kitô giáo. Những văn kiện và những định hướng của Hội Đồng Giám Mục Italia), Elledici (TO), 2004.